Em có thích Ngoại thương không?

Bài viết được đăng lần đầu trên facebook cá nhân của tác giả.

Tặng FTU Day, và ngày xuất chuồng của (phần lớn) K48.

 

Một tối nằm chém gió với bạn, chúng tôi nói về những năm tháng đi học tiểu học, rồi cấp 2 và cấp 3. Rồi tôi buột miệng rằng nếu chọn nơi yêu thích nhất trong 16 năm đi học, chắc là FTU. Cũng không hẳn là buột miệng. Ngẫm cho kĩ thì chắc là tôi thích FTU thật. Cũng chẳng phải là sùng bái hay thấy sang chảnh gì khi nhắc tên trường đâu, vì thật sự FTU không quá tuyệt hay quá dở như người ngoài vẫn nói. Nó là một cái trường bình thường, với vài cá nhân xuất sắc làm nên tên tuổi mà tôi ắt không thuộc số ấy, và một số nhân tố trẻ trâu gây loạn, mà tôi nghĩ mình cũng chưa đến nỗi. Tôi thích bốn năm của mình ở FTU vì đại khái đấy là bốn năm tôi nhiều bạn nhất, sống vui vẻ tự do nhất, và ít nhất thì mỗi ngày trôi qua đều biết mình đang và sắp làm gì. Nhưng cũng có thể bởi cái duyên với trường này, bởi tôi đã chọn FTU để thi chỉ vì xung quanh tôi (hồi lớp 12) mọi người nhắc tên nó nhiều nhất, bởi bạn thân tôi sẽ vào trường ấy mà tôi không muốn bị bơ vơ một mình giữa một cái trường lạ, và bởi vì FTU dạy… khiêu vũ, nghe có vẻ nhàn nhã sang chảnh. Nói chung, tôi nghĩ mình may mà còn đỗ Đại học. Và tôi cũng nghĩ mình may vì chọn FTU. Tôi đã không có kì vọng gì đáng kể khi bước chân qua cánh cổng trường (thật sự thì, FTU hồi ấy có cổng không ấy nhỉ? Tôi không nhớ nổi vì lúc đó còn đang quá choáng vì sự xấu của trường), mà không kì vọng gì thì không thất vọng. Mỗi ngày qua, trong (hơn) bốn năm, đơn giản là tìm hiểu thêm những điều mới lạ, và học cách yêu nó từ đầu.

 

FTU cũng… đẹp

Tôi biết tôi biết, tôi mới chê Ngoại thương xấu xong. Ừ thì, nó không có bãi cỏ xanh biếc mỹ miều, không có khuôn viên rộng, hồ nước trong xanh để đôi lứa dắt tay nhau đi dạo và trò chuyện. Nó chỉ có một cái hồ bé tí mà quanh năm không thấy phun nước, cá cũng không hiểu sao còn sống trong ấy được; nhà A to vật ở ngoài cổng như dọa nạt khách mới, còn càng đi sâu vào trong, trường càng nhỏ bé, các dãy nhà cũ mới cứ sắp xếp một cách rất ngẫu nhiên và kiến trúc thì chẳng ăn nhập nhau gì cả. Tôi không biết có phải do người ta sống với nhau lâu mà dần thấy đối phương đẹp lên, hay thực sự là FTU đẹp thật, nhưng đến một chiều nọ khi còn học năm ba, tôi đã thốt lên cái câu sến súa “trường mình đẹp quá” mà không còn thấy ngượng ngùng. Hôm ấy tôi họp nhóm ở sảnh nhà A – nhân đây, tôi nghĩ ngồi bệt ở sảnh nhà A họp nhóm quả thật là một trải nghiệm rất tuyệt vời đối với bất cứ FTUer nào – và trời thì tối dần. Sân nhà A khi ấy lộng gió, và tôi ngồi trên bậc lên xuống của tòa nhà nhìn vào bức tường nhà B phía đối diện, nơi lấp loáng màu xanh đỏ phản chiếu từ dòng chữ trên bảng điện tử của nhà A. Nó thực sự là một hình ảnh rất ấn tượng với tôi lúc đó, khi ánh sáng chấp chới màu như vờn nhau trong gió cuối thu lành lạnh, cây râm ran và tiếng người cũng râm ran. Đấy, lần đầu tiên tôi bắt đầu nhớ hoài cái khuôn viên nhỏ bé này. Tôi thích đi trên con đường dẫn đến nhà G, có nhiều cây to phía bên trái khiến tia nắng chiếu xuống đường trở nên lung linh rất đẹp, và bên phải đường là hai cây *có chúa mới biết* quanh năm chẳng có lá, nhưng được trang trí bằng trăm dải ruy băng vàng và hồng. Nó không phải là một khung cảnh đẹp và kì diệu gì đâu, thật đấy! Nó chỉ là những hình ảnh mà nếu bạn đi qua đấy rất nhiều lần, với những câu chuyện bất tận của tuổi trẻ về trường lớp, điểm kiểm tra, trang tín chỉ, về câu lạc bộ, thi thố nọ kia, về tình yêu và những con người kì quặc cùng lớp thể dục, thì cái khung cảnh ấy, đến một lúc nào đó, tự dưng thật khiến ta xao xuyến làm sao. Nó đã ôm ấp những câu chuyện của chúng tôi, trong rất nhiều năm rồi.

IMG_4141

IMG_1190 IMG_4136

Cái làng nhỏ

Nói chung ở FTU, người ta thường có cái ảo tưởng mình… quen biết rộng. Kiểu như, bước chân từ lớp học ra đến cổng trường là phải chào hỏi đến chục người rồi: thân thì chạy ra ôm, vẫy tay cười toe toét; sơ thì cũng cười cười rồi nhăn trán cố nhớ đã gặp người ấy ở chỗ nào. Thế là tưởng mình quen đến nửa cái trường. Nhưng hỡi ôi, trường bé tí à, quen nhau có khó gì đâu. Rồi thì đi đến đâu thi thố hay hội thảo cũng gặp bạn cùng lớp/cùng khối/cùng trường. FTUer nhiều cái suy nghĩ khá giống nhau, hay cùng apply một chỗ, đi đâu thi cái gì cũng có bạn có bè.

Thật ra, thế cũng vui. Nếu bỏ qua cái ảo tưởng “quen biết rộng” ấy, thì sẽ thấy mỗi ngày đến trường đúng là một ngày vui. Đi đâu cũng gặp bạn cơ mà. Bốn năm, cũng tham gia cái lọ cái chai, giải rút thì không được cái gì nhưng quý nhất là được ở bên những người thú vị. Và có cơ hội gặp những người thú vị khác, ở trường khác. Càng nói chuyện nhiều, càng nghĩ ra những chuyện thú vị. Càng tham gia nhiều càng có cơ hội tốt. Càng gặp nhiều, càng tiếp xúc với nhiều người hay. Lớn lên từ đó chứ từ đâu.

IMG_4142

Em có thích Ngoại thương không?

Có người post lên group hỏi có nên khuyên em thi vào FTU không, thì cả lũ FTUer, bao gồm có cả mình, lao vào “có có, nên nên”, nghĩ mà thấy buồn cười. Tụi FTUers ấy, chúng nó có thể ngồi facebook cả ngày than phiền trang tinchi như dở hơi chập mạch, rồi học phí cao quá trời ông địa, rồi cô A thầy B dã man ra đề khó thế… nhưng khi được hỏi đến, chúng nó vẫn khuyên người ta chui vào “cái rọ” FTU. Bởi vì, dù chỉ ít ít thôi, luôn có một phần trong họ vẫn rất yêu trường – vì những thứ nhỏ nhặt kể trên hoặc nhiều cái khác.

Thế nhưng, cũng có vài người nói rằng họ hối hận vì vào FTU. Thì tất nhiên, chẳng có môi trường nào hợp với tất cả mọi người cả. Ví dụ, hồi trước tôi học cùng một bạn trai rất kì lạ. Bạn ấy đặc biệt hào hứng với các môn Toán, cuồng nhiệt lắm, như kiểu Sheldon Cooper yêu Vật lý ấy (xem The Big Bang Theory để biết thêm chi tiết!). Cậu ấy thích thú hỏi thầy cô về những vấn đề mà không ai trong lớp quan tâm (thật ra, cũng có hiểu đâu mà quan tâm), và thầy trả lời tới mệt thì thôi. Nhưng cậu có vẻ cô độc. Cậu ấy không biết cách nói chuyện với mọi người. Tôi nghĩ, tại sao cậu ấy lại thi vào FTU? Cậu ấy còn quá nhiều tiềm năng mà lẽ ra phải được khai thác tốt hơn ở môi trường học Toán chuyên sâu. Ngoài ra thì cũng có những bạn buồn bã vì không quen thêm nhiều bạn mới, vì không thấy mình thay đổi gì sau bốn năm học. Tôi không biết nói gì nữa. Đó là do ngôi trường thật đáng thất vọng, hay họ thậm chí chưa từng cố để hy vọng mình sẽ tốt hơn?

 

Có lẽ đây là duy nhất tôi viết về FTU. Bởi vì, dù có thích FTU thật đấy, nhưng duyên của tôi với trường cũng (mong là) đến lúc kết thúc rồi. Tôi không thích níu kéo những cái đã qua, và tôi cũng biết rõ mình muốn làm gì trong tương lai. Thế nên tôi háo hứng muốn bay nhảy lắm rồi, muốn trải nghiệm những cái mới khác những điều đã có ở ngôi trường này. Mấy ngày trước, tôi vẫn còn đến trường đi học. Khi ngồi ăn trong canteen, tôi thấy một cô bé nhỏ người lặng lẽ mở hộp cơm chuẩn bị ở nhà, kiếm một góc bàn và ăn trong im lặng. Cô bé có vẻ mặt rất nghiêm túc và không vui vẻ chút nào. Tách biệt hoàn toàn với những náo nhiệt ồn ào ở bốn bề canteen, với quần áo thời trang là lượt. Tôi ngồi tưởng tượng cô bé ấy có thể thay đổi thế nào sau bốn năm học ở đây: em sẽ bớt buồn và ức chế mỗi khi bị điểm B thay vì điểm A; em sẽ hòa vào một cái bàn nào đó, nói chuyện vui vẻ với những người bạn; hoặc sẽ mặc đẹp hơn chẳng hạn. Em sẽ thấy đi học Đại học là vui chứ không phải chuyện quá nghiêm trọng và có thể khiến em buồn phiền.

 

Bởi xét cho cùng, Ngoại thương hay những trường Đại học khác đều không đưa ta đến được ước mơ đâu, mà chỉ trả về những ước mơ vỡ vụn. Nhưng nó có thể cho ta nhiều thứ khác. Và ta chẳng còn cách nào khác ngoài vui vẻ nhận lấy, và tự mình nhặt nhạnh lại những mảnh ước mơ đã vỡ, hàn găn nó thành một đam mê lớn hơn và lấp lánh hơn.

 

14/10/2013

Dạ Ly

262755_538794552799723_1446998671_n
Taken by Trần Anh Vũ, FTU K48. Full credits to him.

 

2 thoughts on “Em có thích Ngoại thương không?

  1. Em là K53 chị ạ. E chỉ vô tình đi ngang qua đây. Vừa đọc bài viết của chị, em vừa tủm tìm cười: “À thì ra mình cũng yêu trường như thế”. Cảm ơn chị đã giúp e nhận ra cái tình yêu không có tên ấy, cái tình yêu mà em cữ ngỡ mình đã bỏ rơi ở đâu rồi kia.

    Liked by 2 people

You must be having some interesting thoughts. Tell me here